Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

CUỘC LỮ HÀNH CỦA KẺ ĐANG YÊU

(Chúa Nhật 32 TN C 2022)

            Đã làm người, ai cũng phải một lần “đối diện với giây phút cuối cùng của cuộc sống tại thế”, hay nói nôm na, đối diện với cái chết, với phút giây “từ giã cõi đời”; và đó là cuộc đối diện mang những thái độ tinh thần và biểu cảm tâm lý khác nhau: đại để như hai thái độ và tâm tình của hai tên tử tội bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu cách đây hai ngàn năm: Một anh thì đợi chờ thanh thản, hy vọng cậy trông: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! (Lc 23, 42); trong khi đó tay kia thì sợ hãi thất vọng, cay cú bất bình: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23, 39)

Dĩ nhiên, cũng có biết bao cuộc ra đi, cái chết “bất đắc kỳ tử”, đột ngột (tai nạn, tử trận, đột quỵ…) mà các nạn nhân không kịp để “nói một lời”, “trối một câu”, huống hồ để “chuẩn bị dài lâu”, để”dọn mình nghiêm túc” bước vào cõi vĩnh hằng !

            Quả thật, đứng trước cái “quy luật khắc nghiệt” được mệnh danh là một “mầu nhiệm” vượt khỏi tầm trí khôn là “sự chết” đó, lịch sử con người muôn nơi muôn thuở đã ghi lại muôn nghìn cách luận bàn, kiến giải khác nhau; hoặc do “giác ngộ” tự thân hay được “ơn trên mạc khải”, đại để qua một số ý kiến của các bậc hiền nhân hay giáo lý, tín ngưỡng các tôn giáo:

– Đức Khổng Phu Tử được cho là ông tổ của Khổng giáo thì cho rằng “Vị tri sinh, yên tri tử”: Chưa biết rõ cái lẽ sống, thì cái lẽ chết cứ để yên đó. Hay tích cực hơn, “chết chính là yên nghỉ thật sự” qua câu chuyện giữa ngài với môn sinh Tử Cống: Khi Tử Cống xin nghỉ học về thờ phụng cha mẹ cho khỏi mệt. Khổng Tử bảo việc nào trên đời này làm trọn bổn phận đều rất khó nhọc, nghỉ sao được! Tử Cống thất vọng kêu lên: Vậy con không có lúc nào được nghỉ ư? Khổng Tử đáp: Có chứ, lúc nào con thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, cái mộ được đắp chắn, người đưa con bỏ về. Bấy giờ là lúc con được nghỉ. Cống reo lên: Vậy chết hay thật, quân tử thì được nghỉ ngơi, tiểu nhân hết làm bậy” (Giảm chi. Đại vương THTH. Tr. 54).

– Trong khi đó, giáo lý nhà Phật thì cho rằng: chết tức là bước qua ngưỡng cửa “Tịch Diệt”; và cái “Diệt” trọn hảo nhất chính là “Nhập Niết Bàn” tức là đạt tới cảnh giới “đoạn triệt Luân Hồi”, thoát khỏi ba cái nghiệp bất thiện là “tham ái”, “sân hận” và “si mê” (Tham, Sân, Si). Nếu chưa đạt tới cảnh giới “Niết Bàn” thì sau khi chết lại “tái sinh” vào kiếp luân hồi như cách diễn tả của nhà thơ Tản Đà trong bài thơ “Hơn nhau một chén rượu mời”:

Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm đôi chim nhạn giữa trời mà bay…

Hay một câu thơ khác trong bài thơ “Cây Thông” của nhà thơ Nguyễn Công Trứ:

Kiếp sau xin chớ làm người,

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…

– Còn Ấn giáo lại tin rằng: chết chính là khi “Tiểu Ngã” (Atman) trở về hòa nhập trong “Đại Ngã” (Brahman)…;

– Hồi Giáo, dựa vào giáo lý mạc khải của Kinh Coran, căn bản tin có đời sau, có phán xét, có hỏa ngục để phạt kẻ vô tín hành ác…, và thiên đàng để thưởng kẻ kính tin và hành thiện…

            Cũng không ít người, nhất là những người theo chủ nghĩa “duy vật vô thần” thì cho rằng “chết là hết”, là “hóa thành tro bụi”; hoặc giả cũng tin vào thế giới bên kia, nhưng đó là một “không gian huyền hoặc”, một “chốn xa xăm cuối trời”, như kiểu:

Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời (Ca khúc “Ở Trọ” của ns. TCS)…

            Vào Chúa Nhật gần cuối Năm Phụng Vụ nầy, hôm nay, CN 32 TN, Lời Chúa lại một lần nữa gọi mời anh chị em Kitô hữu chúng ta suy niệm và sống mầu nhiệm Cánh chung, mầu nhiệm về đích điểm của cuộc đời; nôm na, đó là lựa chọn một thái độ sống sao cho phù hợp với đức tin vào sự sống vĩnh hằng, đức tin mà chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính các Tông Đồ: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”.

            Trước hết, để giúp chúng ta luôn kiện toàn niềm tin vào cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng mà Thiên Chúa dọn sẵn cho những người công chính, chấp nhận thương đau và cả cái chết để trung thành với Lề Luật với đức tin, Phụng vụ đã mượn câu chuyện “tử đạo của bảy anh em cùng với mẹ mình” trong sách Macabêô như một minh họa sống động: “Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời”… “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu” (Bđ 1).

            Vâng, chính đức tin mạnh mẽ vào một Thiên Chúa quyền năng và yêu thương sẽ là điểm tựa vững chắc, là kim chỉ nam giúp chúng ta sống thiện lương và sẵn sàng vượt qua mọi gian nan thử thách để thanh thản tiến vào cõi vĩnh hằng. Không có được niềm tin đứng đắn nầy, con người hoặc sẽ “đốt cháy” cuộc đời mình trong cái chết bi đát thất vọng (như Giuđa Iscariốt, như nữ tài tử Marilyn Monroe…); hoặc “tung hê” cuộc đời trong cuộc sống tàn bạo hủy hoại chính mình và bao vạn sinh linh khác (như Hiler, Stalin, Mao Trạch Đông, Pônpốt…).

            Cùng với giáo huấn của sách Macabêô, trích đoạn Tin mừng Luca trình thuật cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và nhóm Sađucêô, một cánh tôn giáo Do Thái thời Chúa Giêsu không tin vào sự sống lại, đã củng cố đức tin cho chúng ta về “viễn cảnh của sự sống đời sau”: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại…”. Vâng, cùng đích tối hậu của niềm tin Kitô giáo chính là được sống cuộc sống phục sinh với Chúa và bên Chúa trong tình yêu Phụ tử và huynh đệ, như ước mơ và khẳng định của chính Chúa Kitô: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Quả thật, chúng ta kết thúc cuộc đời tại thế để bước vào một cuộc sống mới chan hòa ánh sáng phục sinh và tiến vào một “quê hương chắc chắn” (Pl 3,20), một “chỗ ở vĩnh viễn trên trời” (Kinh Tiền Tụng I lễ An Táng), chứ không là một “Đại Ngã” hay một cõi “Niết Bàn” huyền hoặc mông lung nào đó !

            Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một thế giới, một thời đại phần nào giống như thời của các tín hữu cộng đoàn Thêxalônica vào thuở sơ khai của Giáo Hội, khi nơi cộng đoàn nầy đang có nhiều người hoang mang về sứ điệp của các tiên tri giả, “mầu nhiệm sự gian ác đang hoành hành” xuyên tạc về “ngày tái lâm của Chúa Kitô” để tạo nên sự hoang mang dao động… Trước tình trạng đó, Thánh Phaolô đã khuyên bảo phải “dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành…, bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành” và cầu nguyện … để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa…”.

            Vâng, lời khuyến dụ trên của Thánh Phaolô vẫn luôn cần thiết cho mỗi người Kitô hữu chúng ta, đặc biệt trong những ngày cuối Năm Phụng vụ: Cậy trông vào ân sủng, bền vững trong việc lành và cầu nguyện để thấm nhuần Lời Chúa. Sứ điệp nầy lại được vang lên trong tháng “Các đẳng linh hồn” cũng sẽ là một nhắc nhớ mỗi người chúng ta đừng quên số phận của những anh chị em đang được thanh luyện trong luyện ngục, và sốt sắng cầu nguyện cho họ để họ sớm được hưởng phúc thiên đàng. Và chúng ta cũng đừng quên, chút nữa đây, Tấm bánh là Thân mình Đức Kitô được bẻ ra để trao ban cho chúng ta như quà tặng tuyệt vời nhất, như lương thực trường sinh cao quí nhất, và là một bảo đảm vững chãi nhất để dẫn chúng ta tiến bước về quê hương bất diệt. Vì chính Ngài đã dạy: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Và như thế, cuộc lữ hành của chúng ta hôm nay tiến về nơi vĩnh hằng sẽ âm vang rộn rã những lời ca vang của “những kẻ đang yêu”, như lời dạy ngày nào của Thánh Giáo Phụ Augustinô: “Nào, hãy hát ca và hãy lên đường! Ca hát là công việc của người đang yêu!” Amen.

Trương Đình Hiền