Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

LINH MỤC VÀ BÀI TÌNH CA THẬP GIÁ

(Bài giảng lễ Thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính – 17.10.2022)

          Hôm nay, cộng đoàn giáo phận Qui Nhơn chúng ta họp mừng long trọng ngày sinh nhật trên trời của thánh tử đạo giáo phận: linh mục Phanxicô Isidore Gagelin Kính. Vâng, cha thánh của chúng ta được diễm phúc tử đạo ngày 17.10.1833 tại Bãi Dâu Huế (cách đây đã 189 năm), sau khi hoàn tất cuộc hành trình với 34 năm làm người và làm con Chúa và với 11 năm trong hành trình mục tử.

Thật ra, cũng như Cha thánh Phanxicô Gagelin đây, mỗi chúng ta đều được mời gọi đi trên cái nẻo “một cõi đi về” đó trong cách riêng của mình. Thật vậy, đời người dù vắn số hay trường thọ, dù cao sang chức phận hay bé bỏng dại khờ, dù giáo sĩ hay tu sĩ, giám mục hay giáo dân… tất cả chỉ là một kiếp lữ hành dệt bằng một chuỗi những bước đi của sống và hành động, của cho đi hay nhận lãnh, của oán thù ghét ghen hay yêu thương tha thứ, của bổn phận trách nhiệm được hoàn thành hay lãng quên thiếu sót… để tiến đến cái “giờ định mệnh” hay như cách diễn tả của Sách Khôn Ngoan, cái “giờ được Chúa ghé mắt nhìn”, cái giờ “sẽ sáng chói và chiếu tỏa ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau” (Bđ 1).

Đi về với Chúa với tuổi 34, quả thật, cuộc đời của Cha thánh Phanxicô Gagelin phải nói là “vắn số”; tuy nhiên, trong cái phận người và hành trình linh mục “vắn số” đó lại đẹp biết bao, đáng trọng, đáng quý biết bao ! Trong dịp đặc biệt nầy, chúng ta thử đọc lại vài cột mốc trong cuộc hành trình của kiếp nhân sinh, trong cái nẻo “một cõi đi về” của ngài:

Sinh: 10.5.1799; thuộc giáo phận Besancon, đồng hương với Thánh Giám Mục Stêphanô Theodore Cuénot Thể. Lớn lên, đi tu, gia nhập Hội Thừa sai Paris và cập bến Đàng Trong Việt Nam năm 1821 và chịu chức linh mục năm 1822 tại Quảng Trị và chuyên lo việc đào tạo chủng sinh từ chủng viện An Ninh miền Trung cho tới chủng viện lái Thiêu giữa thời bách hại. Khoảng năm 1830, sau khi Đức Cha Tabert Từ cai quản giáo phận Đàng Trong, ngài đã sai cha Gagelin chăm sóc mục vụ cho 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (tức địa bàn giáo phận Qui Nhơn hôm nay) đang giữa mùa bách hại. Vì không muốn đàn chiên bị khổ hình, nên khoảng cuối tháng 5.1833, cha Gagelin đã quyết ra khỏi vùng lẫn trốn ở vùng núi phía tây Bồng Sơn, trình diện nộp mình để bị xử án. Và ngài đã bị án xử giảo tại pháp trường Bãi Dâu Huế ngày 17.10.1833. Năm 1846, Đức Cha Cuenot đã cải táng và chuyển thi hài ngài về chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Đức GH Lêô XIII phong chân phước cho ngài ngày 27.5.1900; và ĐGH Gioan Phaolô II phong ngài lên Hiển thánh ngày 19.6.1988 cùng với 116 Chân phúc tử đạo Việt Nam.

          Cách đây 189 năm, khi thi hành án tử cho đạo trưởng Gagelin, chắc triều đình Huế của vua Minh Mạng chắc mẩm rằng “đã nhổ xong một cây gai, đã tiêu diệt được một mầm sống hay gốc rễ đức tin Công Giáo”. Nhưng họ đâu biết rằng, cả mấy ngàn năm trước, Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan đã viết, và suốt mấy ngàn năm, Dân Chúa đã sống và đã tin: “Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thực ra…, sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như vàng thử trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu…”.

          Riêng cuộc đời mục tử và cuộc tử đạo anh hùng của thánh Gagelin lại làm sáng lên chân dung đích thực của một Alter Christus, một chứng nhân linh mục đã hiện thực hóa chính những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô mà chúng ta vừa nghe trong Bài đọc 2: “Chúng tôi chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng tôi phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng tôi bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi chúng tôi luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng tôi”.

          Quả thật, thánh linh mục Gagelin đã sống và thực thi những lời đó cách trọn hảo qua chứng từ “người mục tử sống hết mình và chết trọn tình cho đoàn chiên”; và đây cũng chính là nguyện vọng, là lý tưởng mà ngài đã ôm ấp được chính ngài lưu lại trong bức tâm thư cuối cùng: “Viễn tượng được trông thấy Chúa Giêsu tử nạn làm cho tôi quên đi hết những gì là đau đớn trong cái chết, tôi không còn ham muốn sự gì hơn là mau thoát ra khỏi cái xác phàm này để muôn đời kết hợp với Chúa Kitô”.

          Chúng ta tạ ơn Chúa. Trong lịch sử Hội Thánh, quả thật, đã có những thời điểm, những giai đoạn, mà ở đó, có không ít giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân khao khát được ơn tử đạo, khao khát dấn thân vào những vùng “dầu sôi lửa bỏng” để làm chứng cho Chúa. Thế nhưng, cũng đừng quên rằng, không thiếu những người Kitô hữu sợ hãi, đầu hàng trước viễn tượng của thập giá, của khổ hình. Chúng ta từng nghe câu chuyện tử đạo tháng 6, 7 năm 1839 của ba thánh tử đạo Việt Nam: Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể và Đinh Văn Đạt. Các ngài là 3 trong số 500 quân nhân Công Giáo chối đạo hết thảy trước các cực hình. Nhưng sau đó, đã cầu nguyện, ăn năn sám hối và nộp đơn xin tuyên xưng đức tin; và cả ba đã được phúc tử đạo…

          Trong thời đại của chúng ta hôm nay, chắc chắn không còn mấy người “ham chết vì đạo”, không mấy người khao khát dấn thân cho sứ vụ, nhất là sứ vụ đòi hỏi phải đi qua con đường thập giá, con đường của khổ cực đau thương và cả đổ máu. Chính vì thế, cùng với sứ điệp cuộc đời nhân chứng của thánh linh mục Gagelin, chúng ta cần lắng nghe lần nữa những căn dặn của chính Chúa Giêsu qua trích đoạn Tin Mừng Matthêô vừa được công bố: “Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục…”. Và Chúa Giêsu cũng đã dùng hai hình ảnh “hai con chim sẻ bay trên bầu trời” và “sợi tóc trên đầu” để trấn an chúng ta “đừng sợ” và tin vào tình thương và quyền năng quan phòng của Thiên Chúa.

          Riêng với anh em linh mục, hôm nay, một lần nữa chúng ta được dịp chiêm ngưỡng chân dung thánh linh mục Gagein Kính, một cuộc đời, có thể nói được, giống như loài “chim gai” (Thornbird), một huyền thoại mà văn sĩ người Úc, Colleen Mc Cullough đã dựa vào để viết cuốn tiểu thuyết: “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” hay “Những con chim ẩn mình đợi chết”: Có một loài chim chỉ hót lên một lần trong cả đời nó.… Ngay khi vừa rời tổ, loài chim ấy đi tìm ngay một thứ cây có những cành đầy gai nhọn và …, rồi lao thẳng vào cây gai dài nhất và nhọn nhất. Cây gai xuyên thủng qua ngực. Giữa cơn hấp hối, một tiếng hót vút cao, thánh thót hơn cả tiếng hót của sơn ca, hoạ mi. Tiếng hót tuyệt vời đánh đổi bằng cả cuộc sống. Trời đất ngừng đọng lại để lắng nghe; còn Thượng đế trên cao thì mĩm cười. Bởi rằng sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận ấy…”.

Kính thưa cộng đoàn, con đường đức tin của người Kitô hữu, con đường theo Chúa Kitô, đặc biệt, con đường để sống chức linh mục như “lòng Chúa mong ước”, như “đàn chiên đợi chờ” cũng phần nào giống như loài “chim gai” đó. Giọng hát càng cao, càng hay, thì trái tim càng rỉ máu. Từ vị linh mục Giêsu khi chấp nhận trái tim bị đâm thâu trên đồi Sọ, cho đến linh mục Gagelin Kính bị án thắt cổ chết giữa pháp trường Bãi Dâu, đã có biết bao chứng nhân linh mục, tu sĩ, giáo dân… đã để để lại cho Giáo Hội, cho đời bài ca tuyệt thế của tình yêu; và bài tình ca thập giá đó chưa bao giờ hết giá trị và mãi đi cùng năm tháng vang lên cho đời, cho Giáo Hội, cho đàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta và nhất là các anh em linh mục trong giáo phận hôm nay “trung thành hát mãi bài tình ca yêu thương, bài tình ca thập giá”. Amen.

Trương Đình Hiền.